CUỘC ĐỜI
                                                                                                                    Lê Trần Thành
   “Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”
          Kẻ thì giàu sang phú quý, người thì nghèo rớt mồng tơi. Kẻ thì lành lặn, đẹp đẽ, người thì khiếm khuyết, xấu xí. Kẻ thì được trọng vọng nâng niu, người thì bị coi thường khinh rẻ v.v...
Có ai mong muốn mình nghèo hèn, bệnh tật đâu. Có ai được quyền chọn lựa cho mình sự giàu có, hạnh phúc đâu. Kẻ giàu sang chưa chắc là hạnh phúc, người nghèo hèn chưa chắc bị khinh khi, kẻ được trọng vọng chưa chắc đã lành lặn... Chung quy đó là SỐ PHẬN.
Chúng ta có một điểm chung là mong muốn cuộc đời mình luôn luôn hoàn hảo. Có mấy ai cảm thấy hài lòng với những gì mà số phận mang đến cho cuộc đời mình. Thường thì con người chúng ta chỉ biết nhìn lên mà không chịu nhìn xuống, cho nên luôn thấy mình toàn màu đen mà không thấy mình còn hơn nhiều người. Nói chung, chính ta không đọc được bản thân ta, không vừa lòng với những gì mình có, không thấy mình còn may mắn hơn những người khác...
Từ đó sinh ra tham lam, ganh ghét, đố kỵ để rồi nó trở thành một đặc tính  tồn tại trong mỗi con người chúng ta. Không thỏa mãn chính mình cũng là khuyết điểm lớn tạo nên nhân cách con người.
Thử hỏi tại sao trong xã hội ngày nay lại có những cuộc ẩu đả, chửi bới, tranh giành, chém giết kể cả người thân với nhau; tại sao thế giới có chiến tranh, thù hằn giữa các nước, giữa các dân tộc... phải chăng đều xuất phát từ lòng tham, sự ganh ghét, đố kỵ...
Những gì mà chúng ta đang hạnh phúc có được, chúng ta cần phải biết trân quý, có những cái ta đang sở hữu  mà người khác không có được.
Mỗi chúng ta đều sẵn có khả năng vươn lên để làm thay đổi cuộc đời, thay đổi số phận của mình theo hướng tốt đẹp hơn và từng bước hoàn thiện chính mình làm cho cuộc sống này tươi đẹp hơn...
Cuộc đời là một chuyến lữ hành, mỗi chúng ta đều có cơ hội trở thành tài xế, nghênh đón những vị khách đi ngang qua đời ta. Có lẽ chúng ta sẽ không thể luôn gặp những vị khách hiền hòa, nhưng chúng ta có thể làm một người tài xế tốt bụng; dù không tránh được đoạn đường kẹt xe, nhưng có thể dùng tâm tình vui vẻ, cùng nhau hưởng thụ một đoạn hành trình hạnh phúc.
Cuộc đời cũng có những quy luật nhất định. Nợ có vay ắt phải có trả, gieo gió thì gặt bão... Đó là: LUẬT ĐỜI. Luật đời rất nghiêm minh, xử đúng người đúng tội. Vì thế, đã sống trong thế giới này, hằng ngày gặp nhau, tiếp xúc, làm việc với nhau thì càng phải thận trọng bởi Luật đời.
Có một câu nói rằng: “Ác giả ác báo, thiện giả thiện lai”.
Đừng để mình gieo quá nhiều nghiệp ác rồi phải hối hận về sau. Hãy gieo yêu thương và lòng tốt để nhận lại trái ngọt. Mình có quyền chọn lựa cách mình sống, cho nên hãy sống cho tốt, sống cho đẹp để không hối tiếc vì đã được sinh ra trong cõi đời này.
Những gì bạn làm cho người khác cũng chính là làm cho bản thân mình. Vì vậy, những gì bạn mong muốn có được thì cũng đừng ngần ngại trao đi. Nếu như bạn mong muốn những người bạn chân tình, vậy bạn hãy đối xử chân thành với mọi người. Nếu như bạn muốn vui vẻ, hãy chia sẻ niềm vui tới mọi người xung quanh.
Cuộc sống bớt đi một chút vị tư, dành nhiều thêm một chút quan tâm cho người khác, làm được như vậy, cuộc sống của chúng ta sẽ tràn đầy sức sống, niềm tin và hy vọng.
Nào ai biết trước được “chút nữa điều gì sẽ xảy ra?”, ta sống hôm nay nhưng đâu biết ngày mai ta có còn không? bởi chung quanh ta tràn ngập những cạm bẩy. Tai họa có thể đến bất ngờ không phân biệt già trẻ, địa vị, giới tính, tôn giáo... nào tai nạn giao thông, tai nạn nghề nghiệp, tai nạn sông nước, nào thiên tai, hỏa hoạn, bệnh tật, v.v... Vì thế, “sống cần có một tấm lòng”, hãy cho đi những điều tốt đẹp vì cho đi là hạnh phúc hơn nhận về.
Những ngày này, người ta lại bàn nhiều đến tình trạng xuống cấp nghiêm trọng về đạo đức xã hội và đạo đức gia đình, về hành vi ứng xử của người với người trong đời sống hiện nay, một xã hội mà con người sống phải luôn cảnh giác đề phòng với muôn ngàn thủ đoạn, mưu mô, toan tính, rình rập... Chúng ta đều nhận thức được những tác hại đó gây ảnh hưởng rất lớn đối với sự phát triển của đất nước, của dân tộc... ta không thể ngồi yên nhìn đạo đức con người dần suy thoái, trong khi con người "là động lực của sự nghiệp xây dựng xã hội mới nên mọi giá trị đạo đức đều phải hướng con người tới CHÂN-THIỆN-MỸ.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét