KÝ ỨC THỜI GIAN
                                                                                     Lê Trần Thành
Quế Trung, miền quê giàu truyền thống hiếu học. Truyền thống tốt đẹp ấy đã được các thế hệ người Quế Trung giữ gìn, phát huy và ngày càng làm rạng rỡ hơn. Và cũng chính ngôi trường này, ngôi trường THCS Quế Trung luôn luôn là niềm tự hào của người dân vùng đất nơi đây bởi nó đã đào tạo nên nhiều thế hệ học trò thành đạt, trưởng thành tỏa đi khắp mọi miền của Tổ quốc tham gia xây dựng đất nước, quê hương giàu đẹp.

Hãy cứ xem “Ký ức thời gian” là cuộc hội ngộ thiêng liêng sau bao năm xa vắng ngôi trường đầy ắp những thương yêu. Sự nuối tiếc, trân trọng và ước muốn quay về với những hoài niệm là một đặc tính vốn có của mỗi người chúng ta. Tôi chắc rằng, tất cả chúng ta trong cuộc hội ngộ này đều cảm thấy mình trẻ lại với những ký ức ùa về dù chỉ là trong trang viết. Định mệnh đã cho chúng ta có chung nhau bao kỷ niệm buồn vui suốt những năm tại ngôi trường này, để rồi trở thành những niềm tin, hy vọng và nghị lực làm thành hành trang mưu sinh khắp bốn phưong. Và sau những  năm xa cách, từ sâu thẳm trái tim của mỗi người, niềm tin và nghị lực cuộc sống ấy đã thôi thúc chúng ta cùng tìm về để được rưng rưng nhìn vào mắt nhau mà hạnh phúc, mà lâng lâng những kỷ niệm ngọt ngào, yêu thương. Có thể nói cuộc hội ngộ trên trang viết này của chúng ta hôm nay đã làm sống lại với những kỷ niệm của một thời còn trẻ đối với thầy cô và còn nhỏ đối với các em, nó minh chứng cho tình thầy trò và cho tình bằng hữu được gắn kết bởi khát vọng  bước tiếp vào chặng đường phía trước.
Giờ đây, chúng ta cùng hồi tưởng về quá khứ với bao nhiêu kỷ niệm… Thời điểm bấy giờ kinh tế còn nhiều khó khăn thiếu thốn, nhiều em đã phải ngậm ngùi gác lại ước mơ, dang dở việc học hành để về phụ giúp gia đình hay tha phương cầu thực. Chính vì sự mưu sinh cuộc sống cũng như sự sớm định hướng nghề nghiệp tương lai đã làm cho một số em không thể đi đến hết con đường học vấn nên phần nhiều học sinh tốt nghiệp cấp 2 không vào học tiếp cấp 3 mà phải ra đời để giảm gánh nặng cho gia đình vốn là nhà nông, chân lắm tay bùn... Học sinh đã thế còn thầy cô giáo cuộc sống cũng không khá gì hơn, nhiều thầy cô phải làm thêm nghề tay trái như: làm ruộng, nấu rượu, nuôi heo, nuôi gà, nuôi lươn, buôn bán… vất vả lo toan đủ điều. Khổ là vậy, nhưng tình cảm thầy trò vẫn luôn thân thiết, gắn bó... Để rồi có một dịp nào đó cùng nhau ôn lại những kỷ niệm của ngày xưa thân ái.
Thời gian đã chứng kiến biết bao nhiêu thế hệ thầy và trò đến rồi đi ở ngôi trường này. Từ lúc ngôi trường hiện hữu đến nay là một khoảng thời gian khá dài, nhưng có vẻ trôi nhanh quá, nhớ mới hôm nào các em còn là những cô, cậu học trò hồn nhiên, vô tư, vừa học, vừa chơi, vừa hát hò và bao nhiêu là trò nghịch ngợm dưới tán cây bàng, dưới mái trường tranh tre vách nứa. Mới buổi tối hôm nào các em còn bưng đèn dầu đến trường để học tổ, học nhóm... Mới hôm nào thầy trò ta cùng “mệt mà vui” với những hoạt động tập thể trong những ngày cắm trại tại sân vận động Đại Bình hay những ngày lao động bứt đót, trồng cây... Vậy mà hôm nay đôi khi gặp lại phải thoáng một chút ngập ngừng mới nhận ra nhau. Thời gian đã mang đến cho chúng ta sự cứng cáp, dày dạn hơn rất nhiều và cũng làm cho đôi mắt sáng ngày nào nay phải mang thêm đôi kính lão nhưng thời gian không thể làm mờ đi những kỷ niệm của một thời sôi nổi và hồn nhiên…

Nhớ lại và thương lắm những cô cậu học trò nhỏ với con đường đến trường gập ghềnh đá, nắng bụi mưa bùn, mỗi ngày phải lội bộ hàng cây số xa xôi từ  Hương Quế dưới hay tận vùng mõ Nông Sơn, từ trong thôn 6 hoặc một số em từ Trà Linh đến đây để học, bất kể nắng mưa, gió rét, bùn lầy… đi sớm cho kịp giờ học hay chạy bộ về nhà trước khi trời tối, thật là những tấm gương miệt mài, chịu thương, chịu khó.
Hoàn cảnh và môi trường làm ăn sinh sống đã khiến chúng ta mỗi người một nơi. Học sinh năm ấy bây giờ đã trưởng thành và vững vàng bước vào đời. Có em đang định cư ở nước ngoài, có em phải sống tha hương trong Nam, ngoài Bắc, có em làm ăn sinh sống ở tại quê nhà và cũng có một số em cùng nhau kết tóc se duyên, trăm năm nên nghĩa vợ chồng. Trong số các em, nhiều người đã thành đạt trên các lĩnh vực của cuộc sốngcó người đang là sỹ quan quân đội, công an nhân dân, nhà báo, những người thợ giỏi, nhiều người đã có những thành công nhất định trong sự nghiệp, trở thành người đứng đầu  tại các cơ quan Nhà nước, các tổ chức xã hội, có người trở thành những  doanh nhân thành đạt hay cùng bước trên con đường của các thầy cô giáo trong sự nghiệp trồng người… Thời gian đã làm cho thầy cô, học trò ngày nào nay trở thành các bậc trung niên, lão thành tuổi đời trên dưới 50, 60, có người đã có cháu nội, cháu ngoại.
Dù ở đâu, làm gì, mỗi chúng ta cũng luôn trân trọng những bài học ngày nào, những tình cảm của thầy cô, bạn bè và những kỷ niệm thân thương tuổi học trò, những kỷ niệm của một thời đáng nhớ. Với ý chí vươn lên, sự cố gắng phấn đấu của mỗi bản thân, cộng với yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa chúng ta vui mừng có những bạn đã có chức vụ trong các cơ quan chính quyền, đoàn thể. Nhưng mỗi thành viên chúng ta đều có chung tâm niệm rằng đó chẳng qua là sự khác biệt về mặt xã hội, nhưng sẽ không bao giờ có sự cách biệt trong tình nghĩa thầy trò, bè bạn.
Mỗi lần nhắc đến kỷ niệm về ngôi trường này, có lẽ chúng ta đều cảm nhận một điều rằng: tất cả thật đầm ấm, thắm thiết tình thầy nghĩa bạn với nhiều cung bậc cảm xúc khi vui mừng hồ hởi, lúc lắng đọng đầy xúc động. Ký ức đưa chúng ta về với ngày xưa ấy với bao nhiêu là ước mơ và hoài bão, cái tuổi tràn trề sinh khí, sẵn sàng vượt qua bao khốn khó của đời thường để vươn tới tương lai.  
Chúng ta xin tri ân những bà mẹ, những người chị, những người không chỉ biết lo cho chính con em ruột rà mà còn thể hiện sự quan tâm sâu sắc đến cả thầy cô và bạn của con em mình. Trong thời buổi khó khăn ấy, khi mà bát đường tán, ký đậu xanh, củ khoai, trái bắp... được xem như một phần tài sản, các mẹ các chị vẫn sẵn lòng cho chúng ta những chén chè làm ngọt ngào thêm tình bạn, tình thầy trò. Chúng ta học được từ đây bài học về sự hy sinh, bài học về sự quan tâm chia sẻ.

Lê Trần Thành và Võ Duy Mộng

Mượn trang sách này, chúng ta cùng tưởng nhớ đến thầy giáo Võ Hương, Thầy Huỳnh Văn Dần, cô Lê Thị Bạch Vân, tưởng nhớ đến các bạn đã mãi mãi đi xa về với cõi vĩnh hằng…
Những năm sống dưới ngôi trường này (1987-1994) là một quãng thời gian không dài nhưng cũng đủ để biến tất cả thành kỷ niệm, thành yêu thương. Nghĩa thầy trò, tình bạn bè với bao nhiêu kỷ niệm vui có, buồn có. Với đầy ắp những cảm xúc thân thương, chúng ta hội ngộ về đây trên trang viết này mang theo ký ức thời gian và nỗi nhớ trường, nhớ lớp, nhớ thầy cô, nhớ bạn bè. Song, chính ở mái trường này – mái trường với bề dày truyền thống đã nâng cánh ước mơ cho bao thế hệ học trò những hành trang quan trọng để bước vào đời. Chúng ta hãy viết tiếp những điều tốt đẹp nhất trong ký ức, để nhớ về một thời đẹp nhất của cuộc đời mình: thời học sinh trong sáng, ngây thơ, vô tư nhưng cũng đầy tinh nghịch; thời tuổi trẻ sôi nôi, nhiệt huyết của những người chèo đò trên bến sông này.
Tất cả những bài học về đức độ hy sinh, về sự quan tâm chia xẻ. Bài học về sự bao dung, về tấm lòng nhân ái, bài học về sự tận tụy, bài học về Tình và Nghĩa, đã hun đúc nên một tình thầy trò suốt đời bền vững, một tình bạn thủy chung sâu sắc đầy tình đoàn kết, tương thân tương ái trong nhiều năm qua.
Ai đã từng sống nơi đây thì không bao giờ quên kỷ niêm nơi đây.  Thế gian dù có nhiều thay đổi, cuộc sống dù còn nhiều bon chen, vất vả, thế nhưng có một điều quý giá không bao giờ mất đi, mãi mãi không bao giờ phai mờ đó là tình thầy trò và tình bạn thưở cắp sách đến trường! Đó sẽ là những giá trị đạo đức tốt đẹp mãi mãi trường tồn với thời gian.
                                                                                       Lê Trần Thành
Cựu giáo viên của trường
                                                                                        1987-1994


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét